Khi chọn bài hát để tập cũng như để biểu diễn, cần chú ý mấy điểm sau đây:
Trước hết, phải chú ý tìm hiểu nội dung của bài hát. Nội dung một bài hát thể hiện ra ở nội dung âm nhạc và lời ca. Bước đầu có thể nghiên cứu nội dung lời ca. Nội dung bài hát phải có tác dụng giáo dục tư tưởng và thẩm mỹ, làm giàu thêm thế giới nội tâm của con người. Nội dung bài hát có thể đề cập đến một vấn đề mang tính chất chung, một đề tài rộng, chẳng hạn ca ngợi Tổ quốc, ca ngợi tình yêu. Có những bài hát nói đến một vấn đề cụ thể nào đó trong cuộc sống, hoặc ca ngợi một con người anh hung…có những bài hát viết để nhiều người cùng hát, đó là những ca khúc quần chúng. Có những bài hát viết để hát đơn ca, nhưng không dành riêng cho một loại giọng nào, thí dụ bài Cuộc đời vẫn đẹp sao của Phan Huỳnh Điểu, các giọng nam, giọng nữ, giọng cao hay giọng trầm đều có thể hát được. Có những bài hát viết dành riêng cho giọng nam hay giọng nữ. Sự phân biệt có tính chất giới tính ở đây một phần do tính chất âm nhạc của bài hát, nhưng chủ yếu thể hiện trong nội dung lời ca.
Chẳng hạn bài hát miêu tả tình cảm của một nhân vật nam hay nữ nào đó, như trong bài Người ơi người ở đừng về (dân ca quan họ Bắc Ninh), nội dung là sự thổ lộ tình cảm của một cô gái đối với người mà cô thầm yêu. Bài Tôi là người thợ lò của Hoàng Vân là cảm xúc của một anh công nhân mỏ về sự lớn lên của quê hương và bản thân trong cách mạng. Lại có những bài hát viết dành riêng cho một loại giọng nào đó, chẳng hạn bài Bài ca chiến thắng của trần Kiết Tường dành cho giọng nam trầm, bài Đường cày đảm đang của An Chung viết cho giọng nữ cao, bài Chào sông Mã anh hùng của Xuân Giao viết cho giọng nam cao…Những bài hát viết cho từng loại giọng là những bài hát mà nội dung và hình thức phù hợp với những đặc tính, những khả năng biểu hiện của các giọng đó. Ngoài ra, dôi khi còn có những bài hát mà lúc sáng tác, người nhạc sỹ có dụng ý viết cho một ca sĩ nào đó, để ngay từ bước đầu giới thiệu bài hát đã đạt hiệu quả theo ý muốn của mình.
Khi chọn bài hát, ta tìm hiểu nội dung và hình thức xem có hợp với giọng hát của mình không, tránh tình trạng bài viết cho giọng nữ thì ca sĩ nam lại chọn để hát, giọng nam trầm hát nhầm bài hát dành cho giọng nam cao. Chọn nhầm bài hát hoặc không phù hợp, sẽ gặp nhiều khó khăn trong khi xử lý các yêu cầu về âm nhạc và đặc biệt trong việc thể hiện tình cảm của tác phẩm. Khi chọn bài hát, ca sĩ còn phải chú ý tới khả năng biểu hiện đặc biệt của mình. Người thì có khả năng biểu hiện tốt những tác phẩm trữ tình. Người khác lại hát tốt những tác phẩm anh hùng ca, những bài hát chiến đấu mạnh mẽ. Có giọng hát rất phù hợp với những cảm xúc, sâu lắng, trang trọng. Ngược lại, có người chỉ ưa thích và hát tốt những bài hát tươi vui, dí dỏm… Những đặc điểm này phụ thuộc vào khả năng của giọng hát, vào những đặc tính của về cảm xúc tâm hồn, về tư duy của từng ca sĩ. Do vậy, khi chọn bài hát cũng phải chú ý tới đặc điểm đó, để có được bài hát hợp với sở trường biểu hiện của từng người.
Tuy nhiên, trong khi luyện tập cũng không nên phụ thuộc vào khả năng tự nhiên của giọng hát, tự hạn chế, bó hẹp mình trong khuôn khổ biểu hiện chỉ một loại bài hát có hình thức, nội dung cảm xúc phù hợp, phải luyện tập sao cho khả năng biểu hiện của mình phong phú hơn, đa dạng hơn. Biết hát tốt những bài hát hành khúc chiến đấu, nhưng cũng còn phải rèn luyện để hát hay những bài hát trữ tình. Phải biết biểu hiện cả tình cảm vui tươi lẫn những cảm xúc sâu lắng. Không nên chọn bài hát chỉ theo ý thích cá nhân của mình, hoặc theo thị hiếu của một số ít người nghe nào đó. Phải lấy việc phục vụ quảng đại quần chúng, với những đề tài sát với thực tế làm phương hướng chọn bài hát. Có vậy mới phát huy được tác dụng cao trong việc phục vụ, và qua đó có điều kiện rèn luyện trở thành ca sĩ có khả năng toàn diện.
(Theo Phương pháp sư phạm thanh nhạc- PGS Nguyễn Trung Kiên)