Vài điều cơ bản của việc tập luyện âm nhạc:

1 – Tập luyện khác so với biểu diễn. Dĩ nhiên, đến bước hoàn thiện cuối cùng, khi mục tiêu là luyện tập sự tập trung và cân chỉnh toàn tác phẩm, việc ” biểu diễn ” là không thể tránh khỏi. Nhưng khi mới bắt đầu tập, nên tránh việc “chơi” từ đầu đến cuối bài, bỏ qua các lỗi mắc phải. Lỗi lớn nhất của rất nhiều pianist là phí thời gian vào việc “chơi đàn” mà quên mất mục tiêu của mình là ” tập đàn ”

Chú ý: khi bắt đầu một tác phẩm hoàn toàn mới – nên cố gắng sight-read : đọc từ đầu đến cuối tác phẩm để biết được bao quát toàn bộ tác phẩm trước, nhưng chỉ 1 – 3 lần mà thôi – sau đó đi vào chi tiết

2 – Tập luyện cần phải có kế hoạch. Giả sử (giả sử thôi nhé), bạn là Simon Rattle và bạn có một buổi tập với Berlin Philharmonic Orchestra – liệu bạn có đi vào buổi tập đó mà chưa hề có ý tưởng gì về tác phẩm, cứ chơi thử 1 lần rồi sửa gì thì lúc đó hẵng tình, hoặc bạn thậm chí chưa biết gì về tác giả, tác phẩm không?
Chắc đến đây bạn hiểu ý Toocky rồi chứ? Khi tập đàn, để tập hiệu quả nhất, đỡ tốn thời gian và sức lực nhất, cần phải biết mình “muốn” gì. Dĩ nhiên, âm nhạc cũng giống như nấu ăn, đầy bất ngờ, đôi lúc bạn phát hiện ra một âm thanh mới, hay là như họa sĩ pha được một màu mới, nhưng nếu chỉ mong vào điều này mà tập không kế hoạch, thì sẽ rất phí phạm

3 – Tập luyện phải tập trung. Nếu bạn không hoàn toàn tập trung vào việc tập đàn – thì dù có tập 10 tiếng đi nữa cũng bằng không. Giống như việc học vậy, khi tập trung, ta thu nhận kiến thức và lưu giữ vào bộ nhớ. Tuy tập đàn đôi lúc phải ” lặp lại ” – repeat những đoạn khó nhiều lân, nhưng như thế không có nghĩa là bạn có thể vừa đọc báo vừa tập được. Bạn có nhớ thi học kỳ, phải học thuộc một bài thơ không? Nếu bạn đứng ngâm nga – 30 phút sau có thể bạn sẽ nhớ, nhưng 2 ngày sau là quên. Thay vào đó nếu bạn dùng trí tưởng tượng và suy nghĩ về những câu, những chữ trong bài thơ đó, bạn sẽ nhớ rất lâu, thậm chí chỉ cần 10 phút để nhớ được bài thơ ấy. Tập đàn cũng giống như vậy. ” Nghĩ” – ” Nghĩ ” – “Nghĩ”, Dĩ nhiên cảm xúc là không thể thiếu, nhưng chỉ có cảm xúc không thì 3 tháng bạn cũng vẫn chưa nhớ được chương 1 của sonata, chứ đừng nói đến cả 3 chương.

Nên tập bao lâu?

Tùy vào độ tập trung của mỗi người, nhưng trung bình thì bạn không nên tập quá 2 tiếng liền một lúc. Trừ một số trường hợp đặc biệt có khả năng tập trung cao độ trong thời gian dài, lời khuyên chung là nên tập 30 phút một lần – tập trung cao độ, hơn là 4,5 tiếng mà chỉ có ngón tay làm việc chứ não bộ không hoạt động.

Tóm lại, bạn nên dừng tập khi cảm thấy có dấu hiệu thiếu tập trung do mỏi mệt, sức tập trung sẽ tăng lên với việc luyện tập thường xuyên. Cần chú ý rằng với những em bé còn nhỏ, việc đòi hỏi các em tập trung 1 tiếng là rất khó, vì thế không nên ép các em tập liền một lúc mà nên chia nhỏ ra.

Chú ý: Trừ những vết đau ngoài da ở ngón tay, nếu bị đau (bất kỳ cơ nào), bạn cần phải dừng tập ngay lập tức – toocky biết rất nhiều người bị chấn thương mãn tính vì không chú ý. Nhất là với đàn piano và hát – vì không phải cầm đàn như violon hoặc clarinet, việc chơi đàn cần phải tự nhiên như sinh hoạt bình thường. Nếu bị đau cơ hoặc khớp chứng tỏ sai sót về kỹ thuật, cần phải hỏi giáo viên hoặc người có kinh nghiệm. Dừng tập 1 – 2 ngày, không mang vác nặng.

Việc giữ cho mình một cuốn “sổ tập luyện” là điều rất nên làm. Đến bây giờ Toocky vẫn giữ thói quen ghi chép lịch tập hàng ngày, thời gian dành cho mỗi tác phẩm. Điều quan trọng nhất là khi có cuốn sổ này, bạn có thể viết ra kế hoạch tập luyện trong ngày + trong tuần và mục tiêu mình muốn đạt được.

VD: 29/9/06: 10 phút gam Xi giáng trưởng, 30 phút Etude Chopin No 1 Op 10 2 trang đầu – học thuộc lòng bằng các hòa âm và tập thử pedal, tập cùng metronome và tăng dần tốc độ; 30 phut chương 2 Beethoven Sonata – tập các nốt luyến láy cho logic… 1 tiếng Chopin Ballad số 3 – tập legato – chú ý phân giọng và điểm nhấn

Càng chi tiết càng tốt, bởi lúc đó bạn biết rõ mình “muốn” gì, đến cuối ngày có thể tick – đánh dấu vào những điểm mình đã đạt được, như vậy sẽ cảm thấy việc tập luyện thành công hơn. Một điểm có ích nữa là bạn sẽ phát hiện ra mình phải sắp xếp lịch tập cho phù hợp với từng tác phẩm, để không tác phẩm nào bị bỏ quên hoặc tập sơ xài

Sổ tập luyện còn là chỗ để bạn viết ra những suy nghĩ của mình về tác phẩm. Ghi chép lại những bản thu âm bạn đã nghe + nhận xét cá nhân, ghi lại những điểm cần chú ý về tác giả và hoàn cảnh sáng tác. Việc viết ra = chữ sẽ giúp bạn định hình rõ mục tiên nghệ thuật mà bạn muốn đạt tới.
Tập với Metronome là việc mà ngay cả những nghệ sĩ lớn cũng vẫn làm. Chopin – nổi tiếng với việc dạy học sinh cùng với metronome. Tuy metronome không thể làm bạn chơi đúng nhịp, nhưng nó có thể khiến bạn nhận ra khi nào bạn chơi sai nhịp, vội lên hoặc chậm lại. Việc tập metronome sẽ khiến bạn nắm chắc được cấu tạp nhịp phách của tác phẩm.

Rhythm – Nhịp phách – trong âm nhạc không giống như đồng hồ quả lắc hoặc là metronome – nó không máy móc mà cũng có “rubato”, nhưng nó đòi hỏi một sự cân nhắc có logic và kỹ lưỡng. Việc tập với metronome sẽ cho bạn nền tảng vững chắc về nhịp, từ đó bạn sẽ biết rõ hơn chỗ nào cần rubato hay ” thở ”, chứ không “thầy bói mù xem voi” nữa

Khi tập kỹ thuật – nhất là etude, việc tập với metronome từ chậm đến nhanh sẽ giúp bạn nắm rõ được độ nhanh của ngón tay và biết được giới hạn của bàn tay mình. metronome vẫn là dụng cụ hữu hiệu nhất để nhận biết độ đều của tốc độ chạy ngón

Tóm lại, tất cả các thầy cô giáo Toocky đã từng học qua đều khuyến khích dùng metronome khi tập, nhất là để phát hiện những điểm mà nhịp phách của mình còn yếu. Những bản nhạc như của Beethoven chẳng hạn – rhythmic energy – sức mạnh của nhịp phách là điều rất quan trọng, nếu thiếu sẽ khiến âm nhạc thiếu đi tính biểu cảm rất nhiều. VD điển hình là Chương 3 Sonata Rê Thứ Op 31 – Tempest

việc tập nhiều hay ít là tùy vào giới hạn của từng người, và ở mỗi người vào giai đoạn phát triển kỹ thuật và độ tuổi nữa. Theo cá nhân Toocky ở thời điểm này thì 4 tiếng 1 ngày là lý tưởng. Tuy nhiên những khi có rất nhiều bài (solo + chamber music …) hoặc phải chuẩn bị cho kỳ thi, recital, thì việc tập nhiều hơn là chuyện không tránh khỏi. Vì chơi đàn, piano ay violon có một phần lớn dựa vảo phản xạ ngón tay, việc tập với thời gian dài có thể giúp các phản xạ này trở thành tự nhiên – khi biểu diễn không cần phải nghĩ nữa. Tập 8 tiếng cũng không sợ bị đau tay, nếu cắt móng tay quá ngắn và tập nhiều forte (đối với piano) hoặc khi tập bị căng cơ, tập sai kỹ thuật thì mới bị đau.Kinh nghiệm cá nhân: khi tập nhiều – toocky cũng nghỉ giữa chừng nhiều, uống nước khoáng và ăn biscuit + chuối và táo + thể dục nhẹ nhàng + thư giãn đầu óc bằng cách đi dạo. Ngủ đủ 8 tiếng 1 ngày. Nghe thì có vẻ khó thực hiện nhưng làm được ntn thì việc tập luyện sẽ có hiệu quả. Nhưng nói chung – khuyến khích 4 tiếng 1 ngày, tập nhiều mà không đúng phương pháp chỉ nhiệu hại hơn là lợi

Làm thế nào để bắt đầu?

Nếu bạn được giao một bài mới toanh, việc bạn muốn làm ngay có lẽ háo hức tập luyện thử!!! Toocky qua một thời gian tập luyện có một vài kinh nghiệm bản thân, xin được viết ra đây. Xin chú ý là với mỗi người – việc bắt đầu một tác phẩm mới khác nhau, ví dụ như bạn Toocky có khả năng sight-read tại chỗ hoàn hảo, thì khác với toocky phải mò mẫm từ từ tầng bước một. Tương tự về kỹ thuật, kỹ thuật của bạn nếu đã tốt, thì sẽ ít gặp khó khăn hơn trong việc vỡ bài.

Sau đây là những điểm chính cần lưu ý

1. âm nhạc - Nếu bạn có điều kiện, bạn có thể tìm nghe băng thu âm của bản nhạc bạn sắp đánh (nếu bạn chưa từng nghe nó bao giờ). Điều này khá quan trọng, bởi vì nó sẽ giúp bạn có khái niệm tổng thể về tác giả, độ dài tác phẩm, màu sắc, cấu trúc cơ bản của tác phẩm đó. Nếu bạn ko biết về tác giả và nghệ sĩ biểu diễn tiêu biểu của tác phẩm ấy, bạn có thể hỏi thầy cô, bạn bè mình. Cô giáo Toocky ngày xưa thường hay đánh cho Toocky nghe 1 lần trước khi giao (hoặc trong lúc chọn bài).

Sau khi đã nghe qua 1, 2 lần, bạn sẽ bắt đầu “nghe” được bản nhạc trong đầu – dần dần biết được mình “muốn” gì, như vậy, ngay từ lần tập đầu tiên, bạn đã có mục đích cho tác phẩm – chứ không chỉ mò cua bắt ốc nữa. Đồng thời bạn tìm đọc về tác giả và thời điểm ra đời, nếu bạn có một hình ảnh tưởng tượng nào đó khi nghe lần đầu tiên thì nên ghi lại và nghĩ về nó – vì đó là cách tự nhiên nhất tác phẩm ấy “communicate” với bạn

2: Play it through – cố gắng đánh qua 1 lần, dù là chậm rãi thôi, tạm bỏ qua những kỹ thuật khó, gắng giữ hòa âm là được. đánh dấu vào sổ tập luyện những đoạn kỹ thuật khó mà tạm thời bạn chưa chơi được. Nhìn vào toàn bộ tác phẩm và xem các ghi chú về tốc độ, biểu cảm… Cố gắng nhận ra cấu trúc (vd có đoạn nào lặp lại?) và nhận xét cao trào của toàn tác phẩm. Việc có được một cái nhìn toàn diện là rất quan trọng cho việc “dựng bài” sau này.

3: Tập chi tiêt – Luôn tập với bản nhạc! Điều này là rất quan trọng! Khi nhìn chi tiết, bạn sẽ phát hiện ra những gợi ý của chính tác giả cho việc thể hiện tác phẩm đó. Phần này đòi hỏi tập trung cao và kiên trì, cũng cần phải nhớ rõ khung của tác phẩm. Bạn dựng bài càng tốt thì các chi tiết sẽ càng có logic và sẽ không mất thời gian. Sau mỗi buổi học bạn nên ghi lại những thay đổi trong phần khung chính (* nếu có) Nhiều lúc bạn cần dành thời gian ngồi nghĩ (ko dùng nhạc cụ hay cd) về tác phẩm, cũng giống như sau khi đọc thơ hay xem một bức tranh vậy, để các ý tưởng nối với nhau, bức tranh sẽ trở nên rõ dần và bạn sẽ tự tin hơn về những gì bạn muốn làm. Nên nhớ – câu trả lời cho tất cả mọi câu hỏi về tác phẩm phần lớn nằm ở trong chính tác phẩm đó! Vì thế hạn chế tập không có bản nhạc. Việc học thuộc lòng sẽ được bàn tới trong các bài viết sau

Nguồn: classicalvietnam